Xây dựng Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam tương xứng vai trò một ngành kinh tế mũi nhọn

     A+ A A-   
06/08/2022 20:05        

Đây là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt tại Hội thảo “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra sáng nay 4/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội.

Hội thảo do Tổng cục Du lịch tổ chức, có sự tham dự của Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL; đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia, các quản lý và các doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết trong giai đoạn vừa qua, ngành Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, đáng ghi nhận. Thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, tổng thu, tỷ trọng đóng góp trong GDP và việc làm, ngành Du lịch đã khẳng định được vai trò trong cơ cấu nền kinh tế của nước nhà, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế-xã hội, góp phần vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh quốc phòng.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: TITC)

Thời điểm năm 2019, với 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa và 755 nghìn tỷ đồng, kết quả của ngành Du lịch đã vượt xa chỉ tiêu dự báo của Quy hoạch đã được phê duyệt. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật cũng đã được đầu tư phát triển mạnh mẽ ở các đô thị, điểm du lịch trọng điểm, đặc biệt là dải ven biển. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương tới địa phương cũng không ngừng đổi mới, hoàn thiện và lớn mạnh không ngừng, Thứ trưởng nhấn mạnh. Từ những nỗ lực đó, ngành Du lịch đã thực hiện tốt các quy hoạch phát triển du lịch, các chương trình, kế hoạch, đề án cũng như dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch trên phạm vi cả nước, từ đó, tạo tiền đề cho du lịch Việt Nam phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh và Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu chủ trì Hội thảo (Ảnh: TITC)

Tuy nhiên, ngành Du lịch sau 2 năm “ngủ đông” do dịch bệnh Covid-19 đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại, phát sinh nhiều hạn chế, bất cập, nhiều khó khăn và điểm nghẽn đang chờ giải pháp thỏa đáng nhằm có bước phát triển đột phá trong thời gian tới, khẳng định thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt bày tỏ mong muốn thông qua buổi Hội thảo lần này, Bộ VHTTDL sẽ nhận được các ý kiến, trao đổi, thảo luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện của các Bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực du lịch để tiếp tục hoàn thiện những nội dung cơ bản của dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thứ trưởng hy vọng rằng với những đóng góp ý kiến tích cực, bản dự thảo Quy hoạch sẽ dần hoàn thiện về các hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chiến lược phát triển ngành; tiếp tục phát huy các nền tảng phát triển ở các giai đoạn quy hoạch trước; định hướng tầm nhìn phát triển dài hạn làm cơ sở để tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch phù hợp trong giai đoạn mới.

Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh tại Hội thảo (Ảnh: TITC)

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch 2017, Bộ VHTTDL đã xây dựng dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ này được tổ chức thực hiện với phương thức đấu thầu và đã chọn được liên danh tư vấn đó là Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn quốc gia – Công ty Cổ phần Quy hoạch Hà Nội. Quy trình thực hiện diễn ra bài bản, cơ bản bám sát tiến độ, đảm bảo yêu cầu đề ra. Tổng cục Du lịch cùng liên danh tư vấn đã thực hiện khảo sát tại 7 vùng du lịch và 8 cuộc họp cả trực tiếp và trực tuyến với các địa phương và chuyên gia, nhằm thu thập các thông tin cần thiết cho việc xây dựng bản dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu đề dẫn tại Hội thảo (Ảnh: TITC)

Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, các mục tiêu trong chiến lược, quy hoạch cơ cấu lại ngành Du lịch Việt Nam cần cân đối lại những định hướng về không gian, định hướng và giải pháp phát triển. Song song với đó, đảm bảo xây dựng những hợp phần tích hợp các vùng, tiểu vùng du lịch, quy hoạch du lịch tỉnh, du lịch biển… Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, quy hoạch lần này có nhiều điểm mới, hướng tới phát triển bền vững, chất lượng, có hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh.

Cũng tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Sỹ, đại diện liên danh tư vấn lập Quy hoạch đã trình bày tóm tắt nội dung Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, 6 quan điểm chính đã được đưa ra bao gồm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu; phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; phát huy tiềm năng lợi thế quốc gia, gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển bền vững, sáng tạo, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục hồi hoàn toàn ngành du lịch và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh đến năm 2030.

Đại diện Tư vấn lập Quy hoạch Nguyễn Tiến Sỹ trình bày nội dung Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Ảnh: TITC)

Về định hướng phát triển loại hình du lịch, đề xuất tập trung vào 3 loại hình du lịch mới là du lịch kết hợp chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch golf. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù về biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Tổ chức không gian phát triển du lịch, phân vùng phát triển du lịch, tập trung ưu tiên phát triển các khu vực du lịch động lực, Hệ thống các Khu du lịch quốc gia, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Cùng với đó là 14 nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; tổ chức quản lý; tổ chức và thực hiện quy hoạch; phối hợp liên ngành, liên địa phương; đầu tư, thị trường, xúc tiến, quảng bá…

Tại buổi Hội thảo đã có các phát biểu tham luận về: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong xúc tiến, quảng bá du lịch; Chính sách quản lý phát triển du lịch sinh thái; Vai trò của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong phát triển du lịch và Tiêu chí lựa chọn các địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia.

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: TITC)

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá cao những ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia, các quản lý và các doanh nghiệp tham dự Hội thảo. Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch tiếp tục phối hợp cùng đơn vị Tư vấn tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch theo hướng: (1) Làm rõ lại các quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch, đảm bảo tính khả thi, tương xứng với vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn; (2) Nghiên cứu, hoàn thiện các định hướng không gian, định vị hệ thống du lịch trên bình diện các vùng trên cả nước, làm cơ sở cho các địa phương phát triển trong giai đoạn tới; (3) Bổ sung, hoàn thiện các giải pháp thiết thực từ những ý kiến đóng góp của các đại biểu; (4) Đảm bảo sự gắn kết các vùng du lịch, phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tập trung phát triển kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ trong du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia.

Ảnh: TITC

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: Xem tại đây

 
Liên kết web
An error has occurred. Error: ThoiTiet is currently unavailable.