Thực trạng nguồn nhân lực du lịch Khánh Hòa

     A+ A A-   
27/07/2019 23:32        

I. Khái quát tiềm năng du lịch Khánh Hòa

Khánh Hoà là một tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, phía Nam giáp tỉnh Ninh Thuận; có diên tích tự nhiên 5.217km2, với dân số gần 1,2 triệu người, bao gồm 02 thành phố Nha Trang, Cam Ranh và 07 huyện, thị. Là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội như: về giao thông có đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, có nhiều cảng biển nước sâu như cảng Nha Trang, Ba Ngòi, Vân Phong.

Khánh Hoà có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan môi trường sinh thái biển; khí hậu Khánh Hoà rất ôn hoà, quanh năm nắng ấm; mùa mưa ngắn và hàng năm rất ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết bão, lụt.

Ngoài các điều kiện tự nhiện, vị trí địa lý phát triển kinh tế - xã hội nêu trên, Khánh Hòa còn là một địa phương hội đủ các dạng địa hình cơ bản vùng núi bán sơn địa, có núi rừng, đồng bằng, miền ven biển, hải đảo, có nhiều tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch. Bờ biển Khánh Hoà dài 385km, với những dãy núi cao nhấp nhô chạy dài ra biển Đông, bờ biển bị đứt gãy đã tạo nên các kỳ quan thiên nhiên và nhiều bãi tắm đẹp như Đại Lãnh, Nha Trang, Bãi Dài Cam Ranh, Đầm Môn, Đầm Nha Phu, Bãi Trũ - Đầm Già, Đầm Bấy, Dốc Lết và còn nhiều bãi tắm đẹp trên các đảo….

Có ba vịnh kín gió được xếp vào hàng đẹp nhất nước và nổi tiếng thế giới là Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong, trong đó vịnh Nha Trang đã được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; có khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa có vị trí kinh tế, an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng.

Khánh Hòa không chỉ là một tròng những tỉnh có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng mà là nơi có truyền thống văn hóa lâu đời, có những công trình kiến trúc thuộc loại quý hiếm do con người tạo ra như Tháp Ponagar huyền thoại trên dưới 1.000 năm, thành cổ Diên Khánh, các Đình, Chùa, Văn Miếu; các cơ sở nghiên cứu khoa học như viện Hải Dương Học, viện Pastuer Nha Trang gắn liền với những di tích lưu niệm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà Bác học Alexandre Yersin,..đã tạo nên quần thể tài nguyên du lịch tư nhiên và nhân văn vô cùng phòng phú, đặc sắc riêng của Khánh Hòa có sức hấp dẫn và thu hút khách du lịch.

II. Thực trạng nguồn nhân lực du lịch Khánh Hòa

1. Thực trạng hoạt động kinh doanh du lịch Khánh Hòa

Hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh trong những năm qua đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ thể hiện ở số lượng mà còn có sự chuyển biến rõ nét về chất: Sản phẩm du lịch của Khánh Hòa đến nay từng bước được đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao so với các tỉnh duyên hải miền Trung. Đặc biệt có những sản phẩm đã có thương hiệu và trở thành nổi tiếng trên cả nước như: tắm bùn khoáng nóng Tháp Bà, sử dụng sản phẩm yến sào để chữa bệnh phục hồi sức khỏe, cáp treo Vinpearl Land vượt biển dài nhất thế giới, …

Thương hiệu du lịch Nha Trang – Khánh Hòa ngày càng được khẳng định uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều sự kiện, hội nghị lớn mang tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế. Hiệu quả hoạt động của ngành du lịch đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế chung của địa phương, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển các ngành kinh tế khác và đặc biệt là hiệu quả xã hội từ hoạt động du lịch mang lại. Những thành tựu đó được thể hiện qua các chỉ tiêu, số liệu sau:


2. Thực trạng số lượng lao động tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch: Tính đến 31/12/2015, tổng số lao động trực tiếp trong các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh vào khoảng 27.800 người.

2.1. Hoạt động lưu trú (khảo sát, thống kê đối tượng khách sạn từ 1-5 sao):

- Số cơ sở lưu trú trên địa bàn: 600;

- Tổng số phòng khách sạn: 24.000 phòng, chi tiết:
+ Khách sạn 3 - 5 sao: 84 cơ sở với 13.290 phòng.
+ Khách sạn 1- 2 sao: 516 với 10.710 phòng

- Tổng số lao động: 25.000 người, chi tiết:
+ Khách sạn 3-5 sao: 13.200 lao động.
+ Khách sạn 1 -2 sao: 11.800 lao động.

Cuối năm 2016, với tổng số khoảng 643 cơ sở lưu trú với tổng số phòng lưu trú khoảng trên 25.000 phòng, thì số lao động bình quân 1,05 lao động/phòng lưu trú ở Khánh Hòa là tương đối cao so với cả nước, nhưng vẫn đang thiếu đội ngũ quản lý cấp cao (chỉ có 650 lao động/643 cơ sở lưu trú).

2.2. Hoạt động lữ hành:

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 227 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong đó, có: 48 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế; 12 chi nhánh; 7 văn phòng đại diện với tổng số 2.800 lao động.

Tổng số 840 người hành nghề hướng dẫn viên. Trong đó, tổng số hướng dẫn viên quốc tế là 522 người (tiếng Nga là 152 người, tiếng Trung Quốc là 165 người còn lại chủ yếu là tiếng Anh, còn 205 là hướng dẫn viên các ngoại ngữ khác). Trong số 522 hướng dẫn viên quốc tế, có 362 người được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại Khánh Hòa (tiếng Trung: 65, tiếng Nga: 92, tiếng Anh: 189, tiếng Pháp: 10, tiếng Đức: 08, tiếng Nhật: 03,…) và trên 160 hướng dẫn viên ngoại tỉnh đang làm việc tại Khánh Hòa (gần 100 hướng dẫn viên tiếng Trung và khoảng 60 hướng dẫn viên tiếng Nga).

Đến cuối năm 2016 với gần 1.000.000 khách quốc tế đến từ Nga và Trung quốc (trong đó trên 600.000 khách Trung Quốc), tổng nhu cầu lượng hướng dẫn viên hiện khoảng trên 400 người, trong đó trên 300 người hướng dẫn viên tiếng Trung và 100 hướng dẫn viên tiếng Nga.

Như vậy, so với nhu cầu thực tế thì số lượng hướng dẫn viên được cấp thẻ trên địa bàn tỉnh hiện còn thiếu: 65/300 tiếng Trung và 92/100 tiếng Nga.

2.3. Số lượng lao động nước ngoài được cấp phép:

Cho tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 231 lao động nước ngoài được cấp phép. Trong đó lao động nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực lưu trú là 153 người, lao động nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực lữ hành là 78 người.

3. Thực trạng đào tạo nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh

Hiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có 11 cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch (bao gồm 04 trường Đại học, 03 trường Cao đẳng và Cao đẳng nghề, 03 trường Trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, 01 trung tâm đào tạo nghề).

Đây là nguồn lực chính thực hiện nhiệm vụ đào tạo mới nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch Tỉnh. Năng lực đào tạo và cung ứng vào khoảng 2.000 sinh viên/năm.

4. Đánh giá chung về cung - cầu lao động:

Qua thống kê từ cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhu cầu về số lượng lao động từ các doanh nghiệp không phải là vấn đề cấp thiết vì lượng sinh viên hằng năm từ các cơ sở đào tạo luôn dồi dào so với nhu cầu thực tế hằng năm là 30.325 sinh viên, trong đó, đào tạo du lịch: 2.000 sinh viên. So sánh với nhu cầu thực tế giai đoạn 2015 đến nay, mỗi năm nhu cầu lao động trực tiếp tăng thêm là 3.000 lao động/năm.

Như vậy, con số 66,7% (2.000 đào tạo/3.000 lao động) thì số lao động được đào tạo chuyên ngành du lịch là cơ bản đảm bảo cung - cầu. Tuy nhiên, hiện vẫn mất cân đối cả về trình độ và phân luồng ngành nghề đào tạo.

Hơn nữa, vấn đề cấp thiết duy nhất mà các doanh nghiệp yêu cầu đó là chất lượng lao động. Xảy ra điều này có lý do một phần từ chất lượng đào tạo vẫn không phù hợp với tiêu chuẩn mà doanh nghiệp cần. Đa số các vị trí khi tuyển dụng đều thiếu kinh nghiệm làm việc, trình độ ngoại ngữ không sử dụng được và kỹ năng chuyên môn không đáp ứng được thực tế. Vì thế giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vẫn chưa thể có mẫu số chung về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.

III. Dự báo nhu cầu lao động trực tiếp trong hoạt động du lịch tỉnh Khánh Hòa qua các năm (từ 2016 đến 2020)

Dự báo đến năm 2020, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh sẽ cần tăng thêm khoảng 40.000 lao động trực tiếp, tăng 1,44 lần so với hiện nay. Tương ứng mỗi năm sẽ tăng thêm 10.000 lao động. 1. Cầu lao động lưu trú: Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa dự báo có thêm khoảng 100/140 dự án kinh doanh lưu trú du lịch đăng ký đi vào hoạt động, với quy mô tương ứng trên 30.000 phòng (bình quân 300 phòng/dự án, chủ yếu từ 3-5 sao).

Như vậy, với hệ số 1,05 lao động/phòng như hiện nay, toàn tỉnh cần thêm khoảng 32.000 lao động trực tiếp trong hoạt động lưu trú khách sạn, tăng 1,28 lần so với so số lao động hiện nay. Mỗi năm thị trường lao động cần thêm khoảng 8.000 lao động cho hoạt động lưu trú du lịch.

Cụ thể ở các lĩnh vực như sau:


2. Cầu lao động lữ hành:

Dự báo năm 2020 có khoảng 10 triệu khách du lịch đến Khánh Hòa, trong đó có khoảng 4 triệu khách quốc tế. Dự báo số lượng lao động phục vụ hoạt động lữ hành là 8.000 lao động. Như vây, số lượng tăng thêm là 5.200 lao động, tương ứng 1.300 lao động lữ hành tăng thêm/năm.

Cơ cấu cụ thể:


IV. Cơ hội và thách thức trong đào tạo nhân lực du lịch

1. Cơ hội

- Du lịch đã trở thành xu hướng phổ biến trên toàn cầu, du lịch là ngành kinh tế phát triển nhanh và rộng trong thời gian qua.

- Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương nên việc đào tạo nguồn nhân lực luôn nhận được sự quan tâm của của chính quyền ở Trung ương và địa phương.

- Hình thức đào tạo phong phú, đa dạng; số lượng lao động dồi dào, trẻ, năng động,… - Mở ra nhiều cơ hội cho người lao động trong nước làm việc ở nước ngoài

2. Thách thức

- Cơ cấu trình độ đào tạo của nhân lực ngành du lịch ở Khánh Hòa đang mất cân đối. Nhân lực phục vụ chiếm tỷ lệ lớn trong nhân lực trực tiếp nhưng trình độ đào tạo thấp, hiểu biết về văn hóa xã hội và văn minh giao tiếp hạn chế.

- Chưa có Trường đại học đào tạo về chuyên ngành về quản lý du lịch, chỉ có các trường đào tạo đa ngành, lĩnh vực có khoa đào tạo về du lịch.

- Kinh nghiệm quản lý, năng lực kinh doanh và trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, người lao động trong lĩnh du lịch còn nhiều mặt hạn chế như: Tác phong, thái độ phục vụ, kỹ năng nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp, năng suất lao động thấp và trách nhiệm cộng đồng.

- Sức ép hội nhập ngày càng sâu và rộng đòi hỏi nguồn nhân lực phải được đào tạo với kỹ năng, trình độ chuyên môn đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

- Số lượng doanh nghiệp du lịch đang gia tăng, từ nay đến năm 2020 có hàng trăm dự án kinh doanh cơ sở lưu trú đưa vào hoạt động cần khoảng 30.000 lao động làm nghề.

V. Tài liệu tham khảo:

1. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

2. Chỉ thị số 41/CT-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2010 của UBND tỉnh về việc triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2020.

3. Báo cao tổng hợp Chương trình phát triển nhân lực Khánh Hòa giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020.

4. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2011), Chiến lược phát triển nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch 2011 - 2020

5. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật Du lịch, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội

6. Tham khảo kết quả điều tra nguồn nhân lực năm 2015.

7. UBND tỉnh: Báo cáo thực trạng cung – cầu lao động du lịch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020
 
Đường dây nóng

Chuyển đối số

Học tập HCM

Du lịch Nha Trang

Covid 19

Phổ biến pháp luật

tuyen-truyen

ho-chieu

gop-y-van-ban

CSLT

Tổng cục du lịch
Liên kết web
An error has occurred. Error: ThoiTiet is currently unavailable.